Suy nghĩ tiêu cực thường xuyên xâm chiếm tâm trí của chúng ta, gây hỗn loạn tâm trạng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cả về mặt tâm lý và thể chất.
Nguyên nhân có thể đến từ công việc, mối quan hệ xã hội và những vấn đề khác. Điều quan trọng là nhận ra rằng sự tiêu cực này có thể lan rộng như một quả bóng tuyết và cần được xử lý để bảo vệ sức khỏe của chúng ta.
Dưới đây là một số cách để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực mà bạn có thể áp dụng:
Đừng để sự tiêu cực chiếm hữu
Nhận ra mình đang có suy nghĩ tiêu cực là bước đầu tiên. Một số dấu hiệu tiêu cực bao gồm:
- Chỉ nghĩ về những điều xấu xảy đến mình.
- Phóng đại tác động của sự kiện không thuận lợi.
- Tức giận với những lỗi nhỏ hoặc những điều nằm ngoài tầm kiểm soát.
- Không chấp nhận sai lầm, thất bại hoặc thất vọng, đến mức không muốn tham gia vào hoạt động nào có thể dẫn đến kết quả đó.
- Đánh giá tiêu cực một tình huống mà không rõ ràng. Ví dụ, khi chào ai đó trong một căn phòng ồn ào và họ không đáp lại, ta tự động nghĩ rằng họ phớt lờ hoặc không thích ta, thay vì nghĩ rằng họ có thể không nghe thấy.
Đánh giá lại suy nghĩ tiêu cực của bản thân
Khi nhận ra mình đang suy nghĩ tiêu cực, hãy dừng lại và giải quyết vấn đề. Hãy cố gắng hiểu tại sao mình lại nghĩ như vậy. Ý nghĩ có hợp lý không? Đó là suy nghĩ có thật hay chỉ là ảo tưởng mà mình tự tạo ra trong đầu? Suy nghĩ này có giúp ích cho mình không?
Hãy nhận ra rằng mình chỉ đang nghĩ những suy nghĩ tồi tệ, chẳng hạn như “Tôi thật ngu ngốc”, nhưng thực ra đó chỉ là “Tôi đang có suy nghĩ rằng tôi thật ngu ngốc”. Mọi người đều có suy nghĩ tiêu cực, nhưng quan trọng là phải nhận ra và tìm hiểu lý do để có thể vượt qua hoặc bỏ qua chúng. Đừng bỏ qua cảm xúc của mình, nhưng đôi khi mình cần bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực của mình.
Nhận biết và điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực
Đôi khi, những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện khi ta cảm thấy buồn, tổn thương hoặc thất vọng về một tình huống nào đó. Điều này là hoàn toàn tự nhiên. Quan trọng là nhận ra cảm xúc của mình và lý do tại sao ta cảm thấy như vậy. Ta có thể thừa nhận cảm xúc đó và học cách đối phó với chúng. Tuy nhiên, ta cần phải phân biệt rõ rằng suy nghĩ và cảm xúc là hai khía cạnh khác nhau.
Thay vì nghĩ “Tôi thật ngu ngốc và mọi người cũng nghĩ như vậy”, đó chỉ là suy nghĩ, không phải là cảm xúc. Cảm xúc của ta có thể là sự thất vọng, có thể do không làm tốt công việc như ta mong muốn. Suy nghĩ tiêu cực chỉ là những ý tưởng mà tâm trí ta tạo ra khi muốn ta chìm sâu vào sự thất vọng. Thay vào đó, hãy thừa nhận cảm giác thất vọng và tin rằng ta có thể vượt qua nó. Ta không cần phải tự đánh mất lòng tự trọng với những suy nghĩ tiêu cực liên tục như “Tôi không tốt” hoặc “Mọi người đều nghĩ tôi ngu ngốc”.
Suy nghĩ hợp lý
Chúng ta thường bị cuốn theo những suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy khó chịu về chính mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự hợp lý hóa những suy nghĩ đó, chúng ta có thể nhận ra rằng tình huống hoặc tuyên bố không hẳn là tồi tệ như những suy nghĩ của mình.
Một cách để làm điều này là viết những suy nghĩ tiêu cực ra giấy và đọc lại chúng như một người bạn nói với mình. Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng hàng xóm không thích mình khi cây cỏ của bạn chết. Nếu bạn biết đó là những gì bạn đang nghĩ, bạn sẽ nói gì với bạn của mình? Bạn có thể nghĩ rằng những suy nghĩ đó không chính xác và có thể có lý do khác mà bạn chưa biết. Việc đối diện với những suy nghĩ tiêu cực và tìm cách hợp lý hóa chúng là một bước quan trọng để giữ tâm trí tích cực và khỏe mạnh.
Rèn luyện tính lạc quan, tích cực
Các nghiên cứu cho thấy, nếu bạn thực hành suy nghĩ tích cực về mọi thứ, ngay cả khi bị ép buộc, thì lần sau bạn có lựa chọn suy nghĩ tích cực hoặc tiêu cực, có thể đó sẽ là suy nghĩ tích cực. Bạn có thể lạc quan ngay cả trong tình huống xấu hoặc khi tâm trạng tồi tệ. Hãy thử và có thể giúp bạn nhận ra điều bạn thất vọng có thể không tồi tệ như bạn nghĩ.
Khi bạn nghe chính mình nói: “Mọi điều tồi tệ luôn xảy ra với tôi! Cả tuần này thật u ám” khi đồ đạc trong nhà thay nhau bị hỏng hoặc “Tôi ghét công việc của mình và tôi muốn bùng nổ” khi bạn đã có một ngày làm việc không hiệu quả thậm chí là tồi tệ, hãy dừng lại và nghĩ xem tại sao bạn lại có những suy nghĩ đó. Nếu có thể, hãy cố gắng tìm kiếm điều tích cực. Hãy kiên trì, để mặc dù bạn có thể thừa nhận khi buồn hoặc một số cảm giác tiêu cực khác, bạn vẫn có thể nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan.
Nếu những phương pháp trên không làm tình trạng của bạn thuyên giảm, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ ra biện pháp điều trị hữu ích nhất dành cho bạn.